Khai thác tiềm năng vận tải đường thủy nội địa

Vận tải đường thủy nội địa là phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường sông, kênh rạch và các tuyến đường thủy nằm trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia. Việt Nam sở hữu hơn 2.360 con sông lớn nhỏ với tổng chiều dài gần 41.900 km, trong đó có nhiều tuyến đường thủy nội địa quan trọng như sông Hồng, sông Cửu Long.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ một phần nhỏ trong hệ thống vận tải đường thủy nội địa được khai thác cho vận tải hàng hóa, trong khi tiềm năng của loại hình này vẫn còn rất lớn và chưa được tận dụng triệt để.

Vận tải đường thủy nội địa với tiềm năng tải lớn 

Với hệ thống sông ngòi phong phú, vận tải đường thủy nội địa có tiềm năng trở thành một kênh quan trọng trong chuỗi cung ứng Logistics. Đặc biệt, các tuyến đường thủy chính như sông Cửu Long, sông Đồng Nai và sông Hồng không chỉ giúp kết nối các khu vực nội địa mà còn là cửa ngõ quan trọng ra các Cảng biển lớn. 

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn hệ thống sông ngòi tại Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng, thiếu tính kết nối giữa cảng biển, bến tàu và hệ thống lưu thông. Điều này khiến cho năng lực khai thác của vận tải đường thủy vẫn trở nên hạn chế, chủ yếu phục vụ cho các loại hàng hóa cồng kềnh, khối lượng lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển đa dạng của nền kinh tế hiện đại.

Chi phí vận tải thấp nhưng chưa được tận dụng triệt để

Một trong những lợi thế của vận tải đường thủy nội địa chính là chi phí vận chuyển rẻ hơn đáng kể so với vận tải đường bộ và đường hàng không. Theo nghiên cứu, vận tải đường thủy có thể giảm đến 40-50% chi phí nhiên liệu so với vận tải đường bộ, đặc biệt là khi vận chuyển các loại hàng hóa nặng nề và cồng kềnh. Tuy nhiên, do hạ tầng chưa phát triển, việc chuyển đổi giữa các phương thức vận tải hiện tại chưa được tối ưu hóa, khiến vận tải đường thủy chưa thể cạnh tranh ngang bằng so với các phương thức khác về mặt thời gian giao hàng và tính linh hoạt.

Tiềm năng phát triển hệ thống cảng bến nội địa

Hệ thống cảng bến ven sông tại Việt Nam vẫn còn thiếu sự đầu tư đồng bộ và hiện đại. Để vận tải đường thủy nội địa thực sự bùng nổ, cần xây dựng những cảng bến có khả năng kết nối liền mạch với hệ thống đường bộ, đường sắt và thậm chí cả các Cảng biển Quốc tế. Hiện tại, các khu vực như đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng vẫn gặp khó khăn trong việc phát triển cảng bến, khiến quá trình bốc dỡ hàng hóa gặp nhiều trở ngại, giảm hiệu quả của chuỗi cung ứng.

Giảm thiểu áp lực lên giao thông đường bộ

Giao thông đường bộ tại Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, ùn tắc và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng. Việc phát triển vận tải đường thủy không chỉ giúp giảm tải cho các tuyến đường bộ mà còn là một giải pháp xanh, giảm thiểu lượng khí thải CO2. Điều này phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, cần phải có sự phối hợp giữa chính sách Nhà nước và Doanh nghiệp trong việc đầu tư vào hạ tầng, công nghệ và nhân lực cho ngành vận tải đường thủy.

Tăng cường kết nối liên vùng và hỗ trợ xuất khẩu 

Các khu vực như đồng bằng sông Cửu Long –  vùng trọng điểm xuất khẩu nông sản của cả nước, rất cần các giải pháp vận tải hiệu quả để kết nối với các Cảng biển lớn như Cát Lái, Thị Vải, Cái Mép… Vận tải đường thủy có thể trở thành giải pháp lý tưởng để vận chuyển hàng hóa từ các vùng nông thôn đến các trung tâm đô thị lớn và Cảng biển quốc tế. Đặc biệt, với sự phát triển của ngành xuất khẩu nông sản và hàng tiêu dùng, vận tải đường thủy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững, từ khâu sản xuất đến phân phối.

Đề xuất phát triển vận tải đường thủy nội địa

Trong bối cảnh Việt Nam sở hữu mạng lưới đường thủy phong phú nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng, VELA đang tích cực tham gia vào việc thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa, cam kết hỗ trợ toàn diện cho sự phát triển bền vững của ngành này qua những giải pháp cụ thể.

1. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng bến và hệ thống giao thông kết nối

Sự thiếu đồng bộ về hạ tầng đang là một trong những trở ngại chính cho vận tải đường thủy nội địa, do đó, việc tích cực triển khai các dự án xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại những vị trí chiến lược, kết nối với hệ thống đường bộ và đường sắt, giúp giảm thiểu thời gian vận chuyển và tối ưu hóa hiệu quả Logistics.

    • Bến cảng thông minh: sử dụng công nghệ cảng thông minh, tự động hóa quy trình bốc xếp, theo dõi hàng hóa theo thời gian thực, giảm thiểu rủi ro và thời gian chờ đợi.

    • Kết nối đa phương tiện: các bến cảng được đầu tư không chỉ là điểm đến của vận tải đường thủy mà còn được tích hợp với hệ thống đường bộ và đường sắt, đảm bảo việc giao nhận hàng hóa thuận lợi và nhanh chóng.

Vận tải đường thủy nội địa
2. Đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực Logistics

Việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng trong chuỗi cung ứng Logistics, đặc biệt là ngành vận tải đường thủy đóng vai trò quan trọng, góp phần đem đến những giải pháp tư vấn chuyên sâu và cung ứng dịch vụ tốt nhất  đến Khách hàng và Đối tác.

3. Khuyến khích sử dụng vận tải đường thủy qua các chính sách ưu đãi

Để tạo động lực cho các Doanh nghiệp chọn lựa vận tải đường thủy, việc tích cực thực hiện các giải pháp tối ưu chi phí khuyến khích về thuế góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho các Doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng đường thủy.

Thúc đẩy các chính sách ưu đãi về thuế, phí cảng và chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp lựa chọn vận tải đường thủy thay vì các phương thức vận tải khác. Tư đó, tối ưu được nguồn lực cũng như chi phí vận hành Logistics cho Doanh nghiệp của mình. 

4. Số hóa và tự động hóa quy trình vận tải

Ứng dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa toàn bộ quy trình vận tải đường thủy là việc làm cần thiết và quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế hướng đến chuyển đổi số toàn diện như hiện nay. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí vận hành mà còn tăng cường tính minh bạch và khả năng theo dõi hàng hóa.

    • Số hóa quy trình: triển khai các hệ thống quản lý thông minh, cho phép Doanh nghiệp theo dõi tình trạng hàng hóa, lộ trình, và dự báo thời gian giao nhận một cách chính xác thông qua một nền tảng trực tuyến.

    • Tự động hóa vận hành: việc tự động hóa các quy trình như bốc dỡ và quản lý hàng hóa giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhân lực, đồng thời tăng năng suất và giảm thiểu rủi ro.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế

Không ngừng mở rộng mạng lưới hợp tác với các Đối tác Quốc tế trong ngành vận tải đường thủy, từ các Công ty vận tải biển, các Cảng lớn cho đến các Tổ chức nghiên cứu và phát triển Logistics có thể  mang lại những giải pháp tiên tiến nhất góp phần tối ưu chi phí. Ngoài ra, những chia sẻ về kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả cũng rất có ý nghĩa cho tất cả các Doanh nghiệp thông qua sự kết nối này.

    • Liên kết với các Cảng Quốc tế: kết nối với nhiều Cảng Quốc tế quan trọng, giúp tối ưu hóa lộ trình vận chuyển và mở rộng cơ hội thương mại quốc tế cho các Doanh nghiệp Việt Nam.

    • Chuyển giao công nghệ: đưa các công nghệ tiên tiến nhất vào quy trình vận tải đường thủy, từ hệ thống quản lý kho hàng đến tự động hóa các cảng biển để tăng cường khả năng hợp tác với các đối tác Quốc tế.

Vận tải đường thủy nội địa là một phương thức vận tải tiềm năng mà nhiều Doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác và tận dụng cơ hội triệt để. Với chi phí thấp, khả năng vận chuyển hàng hóa lớn và thân thiện với môi trường, vận tải đường thủy nội địa giúp Doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.